Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn: 3 địa danh này có gì đặc biệt ? Và những đặc khu kinh tế sẽ mang lại giá trị cho kinh tế Việt Nam?
Từ thập niên 1980 cho đến nay, những Thâm Quyến, Hải Nam, Hạ Môn…chính là động lực biến Trung Quốc từ một nước thuộc thế giới thế ba thành một trong những nền kinh tế mạnh mẽ của thế giới. Giờ đây, Việt Nam cũng đang hy vọng những đặc khu kinh tế (Special Economic Zones – SEZ) sẽ là những ‘cây đũa thần’ nâng tầm Việt Nam ngang hàng những quốc gia phát triển trong khu vực.
Theo đó, 3 đề án đặc khu kinh tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn trình lên Quốc hội vào cuối năm chính là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Với 3 cái tên này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời hãng Reuters: “Chúng sẽ tạo nên một sức hút cực lớn, các khoản đầu tư sẽ bùng nổ trong năm tới”.
Câu hỏi đặt ra là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc kể trên có gì đặc biệt và những SEZ sẽ tạo ra những giá trị gì cho nền kinh tế Việt Nam mà lại đang được kỳ vọng lớn lao đến vậy?
Việt Nam đã có tới 18 ‘khu kinh tế’, chỉ chưa có ‘đặc khu kinh tế’
Trước hết cần nhấn mạnh rằng ở Việt Nam, khái niệm cũng như sự tồn tại thực sự của một SEZ – một đặc khu kinh tế là vẫn chưa có. Chúng ta mới chỉ có 18 ‘khu kinh tế’ ven biển – với định nghĩa về ‘khu kinh tế’ được ghi trong Nghị định số 29 của Chính phủ năm 2008 là ‘khu vực có không gian kinh tế riêng biệt, với môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư’.
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Trung Quốc
Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy mô hình ‘đặc khu kinh tế’ của nước ngoài, chọn ra một số địa điểm trong nước đang có các khu kinh tế hoạt động để áp dụng. Đó chính là Phú Quốc, Kiên Giang (có khu kinh tế Phú Quốc), Vân Đồn, Quảng Ninh (có khu kinh tế Vân Đồn) và Bắc Vân Phong, Khánh Hòa (có khu kinh tế Vân Phong)
Vì thế, có thể coi SEZ như là một mô hình ‘nâng cao’ so với những ‘khu kinh tế’ vốn vẫn đang được ưu đãi để phát triển trong gần chục năm qua, dù ít dù nhiều, tại Việt Nam.
Phú Quốc: Hòn đảo phương Nam đã đi trước một bước
Trong 3 địa danh, Phú Quốc nơi duy nhất có khu kinh tế nằm trong nhóm 6 khu kinh tế được Chính phủ ưu tiên hàng đầu cho đến năm 2020 (cùng với Đình Vũ – Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai và Dung Quất).
So sánh tương quan của 3 khu kinh tế được chọn để đặt SEZ, Phú Quốc cũng là địa phương đang được đầu tư mạnh mẽ nhất. Trở thành khu kinh tế vào năm 2013, cho đến đầu năm nay, Phú Quốc đã đón tổng cộng 16,7 tỉ USD vốn đầu tư, xếp thứ 4 trong số những địa phương được đầu tư mạnh mẽ nhất.
Diện mạo của Phú Quốc cũng đã thay đổi chóng mặt. Nếu như cách đây 3 năm, Phú Quốc chưa có một phòng khách sạn 5 sao nào, thì cho đến bây giờ chỉ riêng Vingroup đã cung cấp 6.000 phòng.
Phú Quốc nhìn từ trên cao
Ngoài Vingroup, có nhiều đại gia bất động sản khác cũng đổ ‘tiền tấn’ vào Phú Quốc như SunGroup, CEO Group, Notovel, Marriott…Các tập đoàn này có thể giúp Phú Quốc nâng tổng số phòng nghỉ dưỡng lên 8.000 phòng, nhiều hơn bất kỳ một địa phương nào trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng.
Nói đi cũng cần nói lại, làn sóng đầu tư bùng nổ vào Phú Quốc có nguyên nhân chính từ Quyết định 1255 quy hoạch Phú Quốc trở thành SEZ vào năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, có thể nói Phú Quốc đã đi trước một bước trong tiến trình xây dựng những SEZ ở Việt Nam.
Vân Phong: Khu kinh tế già cỗi miền Trung với giấc mơ SEZ
Vân Phong là một khu kinh tế nằm ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Trong số 3 địa danh, Vân Phong là nơi được Chính phủ lựa chọn để ưu tiên phát triển sớm nhất. Khu này được thành lập từ năm 2006 với mục tiêu sẽ trở thành hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực Nam Trung Bộ.
Vân Phong có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác
Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình hồi tháng 3, ông Hoàng Đình Phi – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã trình bày tổng quan về tiềm năng, lợi thế của việc xây dựng đặc khu tại khu vực Bắc Vân Phong; mục tiêu, định hướng, các cơ chế chính sách đặc thù, mô hình chính quyền để xây dựng đặc khu hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong trở thành một trung tâm dịch vụ-du lịch lớn, hiện đại có casino mang tầm khu vực và thế giới.
Theo quy hoạch, Bắc Vân Phong sẽ lấy khu cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo. Ở đây có một khu phi thuế quan (thương mại tự do) và một khu thuế quan. Giữa hai khu là tường rào ngăn cách.
Trong đó, khu phi thuế quan từng được quan tâm phát triển bao gồm khu cảng trung chuyển container quốc tế, khu hậu cần cảng và khu trung tâm thương mại – tài chính. Còn khu thuế quan gồm khu cảng trung chuyển dầu, cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu du lịch, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và khu hành chính.
Vân Đồn: Thương cảng miền Bắc sầm uất trong quá khứ
Cái tên Vân Đồn cho đến bây giờ vẫn làm người ta nhớ đến những hào quang trong lịch sử hơn là những chi tiết thực tại. Vốn là một vùng biển mở, dễ tiếp nhận tàu nước ngoài, Vân Đồn bắt đầu trở thành thương cảng kể từ thời Lý. Trải qua thời gian, vị trí địa lý quan trọng của Vân Đồn được chứng minh khi nơi đây là một trong những thương cảng sầm uất bậc nhất miền Bắc.
Từ đó, khu kinh tế Vân Đồn được thành lập vào giữa năm 2007 cũng với mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo, đồng thời cũng là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế ở Quảng Ninh.
Cảng Vân Đồn
Khu kinh tế Vân Đồn bao gồm một khu phi thuế quan (khu thương mại tự do ) ở cạnh cảng Vạn Hoa và một khu thuế quan. Phục vụ giao thông cho Khu kinh tế Vân Đồn có Cảng Vạn Hoa và Sân bay quốc tế Vân Đồn .
Ngày 18/2/2009, Chính phủ phê duyệt chính thức quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Cho đến mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để Vân Đồn trở thành một SEZ, cùng với Phú Quốc và Bắc Vân Phong.
Những ưu đãi ‘hết nấc’
Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn sẽ được ưu đãi những gì về chính sách? Đó trước tiên là các chính sách ưu đãi thuế: Khi nhập, xuất hàng vào, ra các đặc khu kinh tế, người nhập, xuất khẩu sẽ được linh hoạt áp dụng các mức thuế, thậm chí có khi còn được miễn thuế 100%.
Đồng thời, thuế giá trị gia tăng sẽ có ở mức 0%; hoặc thậm chí người, công ty nộp sẽ không phải chịu thuế này. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ không còn tồn tại trong các đặc khu kinh tế nữa.
Đối với cá nhân, thuế thu nhập cá nhân sẽ được miễn và giảm trong một thời gian nhất định. Đối với doanh nghiệp, sẽ chỉ phải chịu thuế 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế. Riêng đối với thu nhập từ dự án đầu tư – kinh doanh bất động sản thì mức thuế suất ưu đãi sẽ chỉ còn 17%.
Tiền tệ là một ưu đãi rất nổi trội dành cho các đặc khu kinh tế. Các doanh nghiệp trong đặc khu sẽ được cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng nhằm đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành thì các đặc khu kinh tế sẽ thậm chí được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi khác.
Về đất đai thì căn cứ vào ngành, nghề đầu tư và quy mô dự án đầu tư, chính sách sẽ cho phép những thời hạn cho thuê đất riêng, với thời hạn tối đa lên đến 99 năm. Thời gian miễn, giảm tiền thuê và áp dụng mức giá thuê đất và mặt nước cũng sẽ ưu đãi hơn so với quy định của pháp luật về đất đai hiện hành.
Cuối cùng, luật về đặc khu kinh tế cho phép miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày, Luật cũng cho phép doanh nghiệp được kinh doanh casino, cho phép doanh nghiệp thuê tư vấn quốc tế.
Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến các bộ ngành về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế). Theo đó Bộ đề nghị giữ lại 69 ngành, nghề thật sự đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc phòng, trật tự xã hội và sức khoẻ cộng đồng,giảm đáng kể so với con số 243 cho phạm vi cả nước.
3 đặc khu kinh tế sẽ đóng góp được gì?
Theo những kịch bản được vẽ nên, 3 đặc khu kinh tế sẽ mang lại những nguồn lợi lớn cho địa phương và cho tổng thể kinh tế Việt Nam. Những tính toán đầu tiên cho thấy người dân ở 3 SEZ có thể đạt mức thu nhập lên đến 12.000 USD – 13.000 USD/năm, tương đương 23 triệu đồng – 25 triệu đồng/tháng.
Tại Vân Đồn, người ta ước tính Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030.
Đặc khu Bắc Vân Phong cũng dự kiến sẽ đem lại khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các DN tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030.
Tạo ra những thay đổi lớn lao nhất phải kể đến Phú Quốc. Theo tính toán thì tại đây, Nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp sẽ tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030. Với những con số này, mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của Kiên Giang sẽ lên đến mức ‘đầu tàu’ là 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030.
Đồng thời, khi du lịch Phú Quốc phát triển, thì hòn đảo này có thể đạt tới mức 12.000 phòng khách sạn 5 sao vào năm 2020. Điều này biến Phú Quốc trở thành một thành phố du lịch nghỉ dưỡng có quy mô hàng đầu khu vực.