Phú Quốc đón vận hội mới
Ông Huỳnh Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang – đã có cuộc trao đổi với Báo Người Lao Động xung quanh việc chuẩn bị để huyện đảo này thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt
Phóng viên: Là huyện đảo lớn nhất cả nước, từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển thành khu kinh tế biển, Phú Quốc đã đón vận hội này như thế nào, thưa ông?
– Ông Huỳnh Quang Hưng: Ngày 22-5-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Khu Kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với diện tích tự nhiên 58.923 ha. Khu Kinh tế Phú Quốc được tổ chức thành khu phi thuế quan và khu thuế quan. Khu phi thuế quan được xác định gắn với cảng An Thới và sân bay Phú Quốc; khu thuế quan gồm các khu chức năng: du lịch, dịch vụ, cảng và dịch vụ hậu cần cảng, KCN, đô thị, dân cư, hành chính…
Tính từ năm 2008 đến nay, huyện đảo Phú Quốc đã thu hút 248 dự án với diện tích 10.388 ha, tổng vốn đăng ký 315.000 tỉ đồng (tương đương 14 tỉ USD). Trong đó, 189 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn 172.230 tỉ đồng (tương đương gần 8 tỉ USD); 24 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 7.021 ha. Những tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sun Group, Bimgroup, CEOgroup, Thaigroup… đã và đang đầu tư tại Phú Quốc. Trên địa bàn hiện có 2.310 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 62.000 tỉ đồng.
Một số công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại Phú Quốc đã đưa vào sử dụng, như cảng biển quốc tế An Thới, vốn đầu tư 150 tỉ đồng; cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, vốn đầu tư 16.200 tỉ đồng, đến nay đã đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng, công suất đến năm 2020 phục vụ được 5 triệu lượt khách; dự án điện cáp ngầm 110 KV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc, vốn đầu tư 2.345,139 tỉ đồng…
Phú Quốc đón vận hội mới
Có thể thấy, một vận hội mới nữa đang mở ra cho Phú Quốc là việc trở thành Khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt. Vậy huyện sẽ làm gì để biến tiềm năng trở thành lợi thế cạnh tranh đặc biệt?
– Phú Quốc cách TP Rạch Giá 120 km, cách thị xã Hà Tiên 46 km, cách vùng phát triển công nghiệp và du lịch của Đông Nam Thái Lan 500 km, cách vùng Đông Malaysia khoảng 700 km và cách Singapore khoảng 1.000 km, nằm gần kề cửa ngõ Tây Nam của Vương quốc Campuchia… Phú Quốc là nơi nhiều luồng tuyến giao thông vận tải hàng hải và hàng không quan trọng trong nước, khu vực và thế giới đi qua. Do đó, Phú Quốc rất thuận lợi trong việc liên kết, phát triển du lịch. Phú Quốc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nhưng bị chi phối mạnh bởi quy luật của biển nên khí hậu ôn hòa hơn so với đất liền.
Phú Quốc nhận được sự quan tâm liên tục để phát triển thành khu hành chính – kinh tế trong nhiều thời kỳ. Chính phủ đã trình Bộ Chính trị về mô hình phát triển ở Phú Quốc và Bộ Chính trị đã chấp thuận chủ trương. Như vậy, đối với cả nước, Phú Quốc là ngọn cờ đi đầu về mô hình phát triển mới ở Việt Nam.
Tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải là cạnh tranh với các địa phương khác mà nhằm thu hút nguồn lực, tạo khả năng cạnh tranh hiệu quả, sòng phẳng với các quốc gia khác để Phú Quốc có sức hấp dẫn mang tầm quốc tế trong khu vực, thu hút các nhà đầu tư, người giỏi, người giàu đến Phú Quốc và cũng là đến Việt Nam.
Để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp khu vực và quốc tế, tầm nhìn và chất lượng quy hoạch là hết sức quan trọng. So với Singapore, diện tích xấp xỉ nhưng dân số chỉ bằng 2% nên Phú Quốc có cơ hội lớn để quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đón đầu tiềm năng phát triển trong tương lai. Phú Quốc đang phát huy tốt các cơ sở hạ tầng đã được đầu tư và chuẩn bị đưa vào khai thác.
Làm sao để Phú Quốc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường?
– Phú Quốc có bờ biển dài 120 km cùng nhiều đảo đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm và là nơi có núi rừng, sông suối, nhiều di tích mang đậm nét văn hóa, tạo thuận lợi cho việc khai thác hoạt động du lịch, đồng thời thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đến đầu tư. Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, thu hút 2,5-3 triệu lượt khách vào năm 2020, trong đó khách quốc tế chiếm 35%, huyện phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường biển do rác thải là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của ngành du lịch địa phương. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm làm sạch đẹp môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Huyện đang dốc sức thực hiện tốt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, để xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và quốc tế, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND huyện luôn quan tâm chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nâng cao ý thức bảo vệ môi trường – xây dựng huyện đảo Phú Quốc xanh, sạch, đẹp.
Tuy nhiên, nguồn lực để đầu tư cho bảo vệ môi trường, bao gồm nhà máy xử lý nước và rác thải là rất lớn. Huyện đã kiến nghị với tỉnh và các bộ, ngành sớm chọn nhà đầu tư để tổ chức thu gom, xử lý rác thải, trước mắt bảo đảm yêu cầu theo quy định. Trong phát triển phải theo đúng quy hoạch, giữ rừng và bảo vệ môi trường, đưa đảo ngọc Phú Quốc trở thành khu kinh tế đặc biệt trọng điểm của khu vực ĐBSCL và cả nước theo định hướng của trung ương và tỉnh.